Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng được chú trọng, Dữ liệu mở (Open Data) đang trở thành một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy minh bạch, đổi mới và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đối với Việt Nam, việc triển khai Open Data không chỉ nhằm tăng cường nền tảng chính phủ số mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xây dựng niềm tin từ người dân.

Các bộ dữ liệu mở cho phép công dân và tổ chức ở cả khu vực công và tư có thể truy cập và sử dụng cho các mục đích thương mại và phi thương mại. Ngoài ra, dữ liệu mở còn có tác động to lớn đến quản lý nhà nước, tăng cường tính minh bạch và giải trình, thúc đẩy sự tham gia của công dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý nhà nước. 

Dữ liệu mở là gì?

Dữ liệu mở (Open Data) là những dữ liệu có thể truy cập, khai thác, chỉnh sửa và chia sẻ bởi bất kỳ ai mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện về bản quyền hay quyền sở hữu. Điều này có nghĩa rằng dữ liệu mở là miễn phí và không độc quyền, cho phép tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như nghiên cứu, kinh doanh và giáo dục. 

Khái niệm dữ liệu mở được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính, bao gồm:

  • Khả dụng: Dữ liệu phải ở định dạng cần được máy tính đọc được, dễ dàng tải xuống và tái sử dụng.
  • Truy cập tự do: Dữ liệu phải được miễn phí hoặc không bị chặn bởi các rào cản pháp lý khi truy cập hay sử dụng.
  • Khả năng tái sử dụng: Dữ liệu phải được cấp phép để đảm bảo người dùng có thể tái sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích.

Dữ liệu mở giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo khi cung cấp nguồn tài nguyên quý giá cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, tăng cường minh bạch trong các hoạt động của chính phủ và các tổ chức. Dữ liệu mở cũng cải thiện hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế, tuy nhiên khi sử dụng dữ liệu mở, cần lưu ý kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác và tuân thủ các điều kiện cấp phép của từng bộ dữ liệu.

Có thể bạn quan tâm: LGSP là gì?

Dữ liệu mở của Chính phủ và các Cơ quan Nhà nước

Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về việc Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã đưa ra định nghĩa: “Dữ liệu mở của Chính phủ và Cơ quan Nhà nước là dữ liệu được Chính phủ và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ”.

Hoạt động cung cấp dữ liệu mở trong Chính phủ và Cơ quan Nhà nước phải tuân thủ những nguyên tắc quy định tại Điều 17 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Các nguyên tắc này bao gồm:

  • Toàn vẹn và đầy đủ: Dữ liệu mở phải phản ánh đúng và đầy đủ thông tin từ Chính phủ và Cơ quan Nhà nước.
  • Cập nhật: Dữ liệu mở phải được cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính mới nhất.
  • Truy cập dễ dàng qua mạng: Dữ liệu mở phải có khả năng truy cập và sử dụng thông qua môi trường mạng.
  • Hỗ trợ thiết bị số: Dữ liệu mở phải được sắp xếp sao cho các thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý dữ liệu một cách dễ dàng.
  • Tự do truy cập: Tổ chức và cá nhân có quyền tự do truy cập và sử dụng dữ liệu mở mà không yêu cầu khai báo định danh.
  • Định dạng mở: Dữ liệu mở nên được công bố trong các định dạng mở, giúp tăng cường khả năng tương thích và tương đồng với các nguồn dữ liệu khác.
  • Miễn phí sử dụng: Sử dụng dữ liệu mở là miễn phí, không có yêu cầu phí sử dụng.
  • Ưu tiên cung cấp: Chính phủ và Cơ quan Nhà nước ưu tiên cung cấp dữ liệu mở cho những dữ liệu mà người dân và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao.

Tuy nhiên, không phải tất cả dữ liệu công có thể trở thành dữ liệu mở. Ví dụ, theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin 2016 của Việt Nam, có những loại thông tin công dân không được tiếp cận hoặc chỉ được tiếp cận theo điều kiện. Do đó, dữ liệu mở của Chính phủ và Cơ quan Nhà nước thông thường sẽ không bao gồm thông tin cá nhân (trừ khi được ủy quyền), dữ liệu bí mật hoặc dữ liệu quan trọng chỉ một số ít người biết của các tổ chức, và dữ liệu bí mật quốc gia.

Cổng dữ liệu mở

Tầm quan trọng của dữ liệu mở đối với phát triển chính phủ số tại Việt Nam

Dữ liệu mở giữ vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy minh bạch, đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ số. Dưới đây là những lợi ích cụ thể:

Minh bạch hóa hoạt động chính phủ

Việc cung cấp Open Data giúp người dân truy cập các thông tin quan trọng như chi tiết về chi tiêu ngân sách, quy hoạch đô thị, và các chương trình đầu tư công. Sự minh bạch này không chỉ giúp người dân giữa vai trò giám sát mà còn tăng cường niềm tin vào cơ quan chính phủ.

Đổi mới và cải tiến dịch vụ công

Open Data cho phép các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và tổ chức phi chính phủ khai thác những thông tin quan trọng để phát triển các ứng dụng và giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công. Chẳng hạn, các ứng dụng về giao thông, quản lý y tế, và giáo dục có thể tối ưu hóa nhờ khai thác dữ liệu.

Hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu

Open Data cung cấp một nền tảng vững chắc để các nhà quản lý đầu tư, quy hoạch và đề xuất chính sách phù hợp. Nhờ khai thác dữ liệu mở, chính phủ có thể hiểu rõ hơn các xu hướng và nhu cầu thực tế, từ đó có những quyết định hiệu quả.

Tăng cường hợp tác công tư và thúc đẩy kinh tế

Việc cung cấp dữ liệu mở có thể kích thích doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu, góp phần gia tăng hiệu quả cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Điển hình là các ngành như logistic, nông nghiệp, và du lịch.

Hội nhập quốc tế

Việc áp dụng Open Data giúp Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về chuyển đổi số và quản lý dữ liệu. Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và OECD đều khuyến khích khai thác dữ liệu mở như một phương tiện gia tăng hiệu quả quản trị và phát triển bền vững.

Ứng dụng dữ liệu mở tại các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam

Ứng dụng dữ liệu mở tại các quốc gia trên thế giới

Cần một quá trình lâu dài để xây dựng và tập hợp các bộ dữ liệu mở chính xác. Do đó, xu hướng chung trong quá trình xây dựng dữ liệu mở ở các quốc gia trên thế giới là tập trung vào hình thành những bộ dữ liệu quan trọng và mang lại lợi ích tối đa cho người dân với mục tiêu hoàn thành nhanh chóng với dữ liệu đầy đủ nhất có thể.

Ví dụ, các bộ dữ liệu về địa lý, đơn vị hành chính và cụ thể là địa chỉ (các tọa độ, đường phố) sẽ hỗ trợ cho các lĩnh vực khác như thương mại điện tử, giao thông vận tải, xây dựng,…

Theo nguồn opendatahandbook, dữ liệu mở đã mang lại rất nhiều giá trị cho các quốc gia. Tại Đan Mạch, sau 8 năm xây dựng từ năm 2002 thì nguồn địa chỉ mở đã có hơn 1.000 doanh nghiệp và tổ chức sử dụng, mang lại giá trị trực tiếp ít nhất 62 triệu Euro.

Tại Anh, một nhân viên chỉ mất 15 phút để giúp Chính phủ Anh tiết kiệm hàng triệu bảng Anh nhờ việc phát hiện các khoản chi trùng lặp trong dữ liệu chi tiêu công của chính phủ. Dữ liệu mở cũng giúp việc quản lý nguồn cứu trợ của các tổ chức phi chính phủ hiệu quả hơn ở Nepal.

Theo nguồn data.gov.vn, chính phủ Nhật Bản đã triển khai các Dữ liệu mở liên quan đến thiên tai. Cụ thể: Thông tin thiên tai và thông tin hỗ trợ thảm họa dựa trên hệ thống thông tin địa lý đã được cung cấp trên web “sinai.info” được cộng đồng chung tay xây dựng và phát hành chỉ 4 giờ sau trận động đất xảy ra; Một cộng đồng các công ty công nghệ sử dụng kỹ thuật để hỗ trợ ứng phó; Hơn 50 các ứng dụng đã được xây dựng và đăng tải trên các trang web, các kho ứng dụng iOS, Android liên quan đến vấn đề thiên tai.

Tại Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ với cổng Data.gov đã cung cấp hàng nghìn tập dữ liệu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó hỗ trợ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và công dân trong việc phát triển các ứng dụng mới.

Đọc thêm: Top 7 xu hướng phát triển hệ thống CRM đầy mạnh mẽ trong kỷ nguyên số

Tình hình triển khai dữ liệu mở của Chính phủ Cơ quan Nhà nước tại Việt Nam 

Tại Việt Nam, Chính phủ điện tử cũng đã được giới thiệu và đưa vào chương trình phát triển trọng điểm từ năm 2001. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của số hoá và mạng hoá thông tin trong Chính phủ cũng như ở cấp độ địa phương. Đó là một chương trình dài hơi, cần có sự đầu tư tập trung và giải pháp hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Việt Nam cũng có một số thuận lợi nhất định khi người dân đang dần có ý thức và thói quen về việc sử dụng công nghệ nói chung và Internet nói riêng để cập nhật, nắm bắt thông tin và theo dõi các hoạt động của Nhà nước. Tình hình triển khai dữ liệu mở của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước tại Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Dưới đây là một số điểm nổi bật liên quan đến việc triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam:

– Cổng dữ liệu quốc gia: Chính phủ Việt Nam đã thành lập Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) nhằm cung cấp một nền tảng tập trung cho việc công bố dữ liệu mở. Cổng dữ liệu quốc gia cung cấp hàng ngàn bộ dữ liệu từ các cơ quan Nhà nước khác nhau, bao gồm dữ liệu về kinh tế, xã hội, môi trường, giao thông, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác.

– Hướng dẫn và quy định: Chính phủ đã ban hành các hướng dẫn và quy định nhằm khuyến khích và hỗ trợ việc triển khai dữ liệu mở. Ví dụ, Quyết định số 888/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về dữ liệu mở, định hướng các hoạt động triển khai dữ liệu mở trong nhiều lĩnh vực.

– Dự án Open Data Index: Việt Nam tham gia Open Data Index, một dự án quốc tế nhằm đánh giá và so sánh mức độ mở của dữ liệu trên toàn cầu. Dự án này đã đóng góp vào việc đánh giá và cải thiện chất lượng dữ liệu mở tại Việt Nam.

– Dữ liệu mở từ các cơ quan Nhà nước: Các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam đã công bố và chia sẻ dữ liệu mở trong nhiều lĩnh vực. 

hoat dong ky ket hop tac thuc day du lieu mo
Hoạt động ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu quốc gia – Ảnh: BN

Thách thức trong triển khai dữ liệu mở của nước ta

Mặc dù Open Data mang lại nhiều lợi ích, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai:

Thiếu hạ tầng công nghệ

Hạ tầng quản lý dữ liệu chưa đủ đồng bộ, thiếu các nền tảng hiện đại để lưu trữ, xử lý và chia sẻ dữ liệu mở. Nhiều cơ sở dữ liệu hiện nay vẫn được quản lý phân tán, không kết nối với nhau, dẫn đến khó khăn trong việc khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) vào quản lý dữ liệu vẫn còn hạn chế.

Chất lượng dữ liệu

Dữ liệu chưa đạt tiêu chuẩn đồng nhất về định dạng và độ tin cậy. Nhiều dữ liệu còn thiếu cập nhật hoặc không được kiểm chứng, dẫn đến nguy cơ đưa ra các quyết định không chính xác. Việc thiếu các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý dữ liệu cũng làm giảm khả năng tích hợp và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả.

Thiếu khung pháp lý và cơ chế chính sách

Hiện nay, Việt Nam chưa có các quy định rõ ràng và toàn diện về quyền truy cập, quyền sở hữu và trách nhiệm liên quan đến dữ liệu mở. Điều này gây ra sự lúng túng trong việc xác định ai chịu trách nhiệm quản lý và khai thác dữ liệu. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức tham gia cung cấp dữ liệu mở vẫn còn hạn chế.

Nâng cao nhân lực

Các cán bộ chính phủ và nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được đào tạo chuyên sâu để hiểu và khai thác hiệu quả dữ liệu mở. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại còn thiếu về số lượng và chất lượng. Điều này đặc biệt quan trọng khi triển khai các công cụ phân tích dữ liệu phức tạp.

Kết luận

Triển khai Open Data hiệu quả là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản trị mà còn tạo đà phát triển kinh tế bền vững và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức quốc tế là vô cùng cần thiết. Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng dữ liệu, và phát triển nguồn nhân lực sẽ là những yếu tố then chốt.

Trong tương lai, nếu được triển khai một cách bài bản và có chiến lược dài hạn, Open Data không chỉ trở thành nền tảng hỗ trợ chính phủ số mà còn là động lực để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số toàn cầu. Đây chính là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lấy đổi mới sáng tạo làm trọng tâm.

Geneat Software - Triển khai phần mềm Quản lý chuyên nghiệp

Điều hành hiệu quả - Kinh doanh thắng lợi

Địa chỉ: Số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 093 457 1626
Email: support@geneat.vn 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *